Xuất khẩu gạo kỳ vọng một năm thắng lớn

Xuất khẩu gạo kỳ vọng một năm thắng lớn

Liên tục có các đơn hàng sang các thị trường lớn; giá gạo neo ở mức cao… đó là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng đầu tiên của năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Gạo Ấn Độ và Việt Nam cũng đang giữ giá cao khi sức mua thị trường trong nước mạnh mẽ và nhu cầu ổn định.

Trước đó, vào tháng 12/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất thế giới với khoảng 438 USD/tấn; gạo 25% ở mức 418 USD/tấn (cao hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn).

Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo kỳ vọng đạt kết quả ấn tượng trong năm 2023

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn so với hàng Thái Lan 50 USD/tấn. Theo đó, trong tháng đầu tiên của năm 2023, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã chạm mức cao nhất trong gần 2 năm nhờ đồng baht tăng giá và sức mua mạnh mẽ trên thị trường.

Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tính đến cuối tháng 1/2023 ở mức 500 USD/tấn, tăng 35 USD so với 452-465 USD/tấn hồi đầu tháng – đây là mức cao nhất kể từ tháng 3-2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ dao động 450-473 USD/tấn.

Mặc dù có sự sụt giảm trong tháng đầu năm, song nhìn chung trong cả năm 2022, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, gạo Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Nguyên nhân là do Trung Quốc vừa mở cửa nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và có nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Những năm trước, hạn ngạch nhập khẩu của Trung Quốc dành cho Việt Nam chỉ khoảng 400.000 tấn nhưng năm nay có thể tăng lên 1 triệu tấn. Họ rất chuộng các loại gạo hạt dài giống ST, dù giá cao và Việt Nam hiện chưa cung cấp đủ nhu cầu.

Ngoài ra, các nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia… cũng tăng mua dự trữ do bị mất mùa. Những thị trường giá cao, không cần hạn ngạch như Mỹ nhu cầu nhập khẩu cũng khá tốt.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã thúc đẩy nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho hay, ngay từ mùng 4 Tết, công ty đã trở lại sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp này trong năm 2022 đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn – mức giá xuất khẩu cao đối với gạo trong nhiều năm nay. Mức giá này kỳ vọng sẽ nối dài trong năm 2023.

Tập đoàn Lộc Trời cũng đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 40.000 tấn gạo cho thị trường châu Âu trong năm 2023. Mặc dù gạo xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đã thay đổi và khi thay đổi đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn. Điều này dẫn dắt lại người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản; trong đó có hạt gạo cho từng thị trường.

Thông tin từ Tập đoàn Tân Long cho biết, thương hiệu gạo A An đã có mặt tại các thị trường lớn và có yêu cầu kỹ thuật cao như Nhật Bản, Đức, Czech, Thụy Điển… Trong năm 2023, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực giá trị cao như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ, Châu Âu (EU).

Với sự mở màn ấn tượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng tiếp tục sẽ thắng lớn trong năm 2023, vượt con số 3,5 tỷ USD mà ngành gạo đã xác lập trong năm 2022. Dù vậy, dưới góc độ kinh doanh, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thận trọng với những đơn hàng ký trước, ký với các thị trường xa và khách hàng mới để đề phòng rủi ro.

Theo báo kinhte.congthuong.vn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *