Chuyên gia Đại học Y Hà Nội: Hướng dẫn sơ cứu người ngộ độc rượu, bia

Chuyên gia Đại học Y Hà Nội: Hướng dẫn sơ cứu người ngộ độc rượu, bia

Trước thực trạng nhiều trường hợp ngộ độc rượu, PGS.TS. BS Nguyễn Quang Dũng đã chia sẻ cách sơ cứu người ngộ độc rượu trước khi đưa đến bệnh viện.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là dịp “cao điểm” của các hoạt động cưới hỏi, tổng kết, liên hoan tất niên… Đi cùng với những bữa tiệc liên miên là số lượng rượu bia tiêu thụ tăng cao, và kèm theo đó là nguy cơ gia tăng số vụ ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng.

Gần đây nhất, trong dịp nghỉ tết Dương lịch 2023, tại Vĩnh Phúc đã có 2 trường hợp tử vong do sử dụng quá nhiều bia rượu dẫn đến bị ngộ độc.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2023 vừa qua, bệnh viện đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, có 2 trường hợp đã bị tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Các nạn nhân đề sử dụng nhiều bia rượu trong các buổi liên hoan cuối năm.

Trong số các nạn nhân ngộ độc rượu kể trên, một số trường hợp ngộ độc do methanol ( cồn công nghiệp) trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Ngộ độc rượu có pha methanol là nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộc độc ethanol.

Để giúp người dân có thêm hiểu biết và cách bảo vệ sức khỏe của bản thân mình cũng như kịp thời sơ cứu, hỗ trợ người người có triệu chứng ngộ độc rượu, bia trước khi đưa đến bệnh viện, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS.Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng – Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm – Trường Đại học Y Hà Nội.

Chuyên gia Trường Đại học Y Hà Nội: Hướng dẫn sơ cứu người ngộ độc rượu, bia
Giữ người bị ngộ độc rượu tỉnh táo trước khi lực lượng y tế có mặt là một trong những cách thức sơ cứu quan trọng được Bác sĩ Nguyễn Quang Dũng đưa ra.

Thưa Bác sĩ, vào dịp cuối năm nhu cầu sử dụng các đồ uống có cồn tăng cao đặc biệt là rượu, bia vậy để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng thì mức độ sử dụng như thế nào là an toàn?

Rượu, bia là đồ uống chứa cồn, thực tế cho thấy sử dụng rượu bia với lượng vừa phải, điều độ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại có lợi cho sức khoẻ, nhất là sức khoẻ tim mạch. Theo y văn, mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Với lượng uống như trên, rất có tác dụng trong việc kiểm soát, dự phòng tăng huyết áp.

Nếu sử dụng quá nhiều bia,rượu, đồ uống có cồn thì người tiêu dùng sẽ gặp những nguy cơ gì cho sức khỏe? Trong trường hợp sử dụng phải rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol) thì tác hại như thế nào thưa Bác sĩ?

Sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn có thể dẫn tới các vấn đề sức khoẻ về tim mạch, gan, thận, tuỵ, thần kinh, nội tiết.

Uống đồ uống có cồn nhiều làm tăng huyết áp, về lâu dài dẫn tới suy tim, đột quỵ. Gây viêm gan, xơ gan do gan phải làm việc quá mức, bài tiết chất độc hại bào gồm cả cồn có trong rượu, bia, đồ uống chứa cồn. Đồng thời, gây viêm tuỵ cấp, bài tiết men tuỵ và gây đạu bụng, chức năng tuỵ suy giảm, dẫn tới khả năng bài tiết Insulin, một hormon giúp kiểm soát Glucose máu, từ đó gây tăng đường máu, dẫn tới đái tháo đường, hoặc có thể gây hạ Glucose máu do bài tiết Insulin quá nhiều.

Uống nhiều rượu bia gây ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hoà động tác cơ thể kém, về lâu dài làm tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay, giảm trí nhớ.

Chuyên gia Trường Đại học Y Hà Nội: Hướng dẫn sơ cứu người ngộ độc rượu, bia
Nhiều trường hợp ngộ độc rượu khi đưa đến bệnh viện cấp cứu đã rơi vào tình trạng hôn mê

Uống nhiều rượu bia ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá, giảm khả năng tiêu hoá, hấp thu chất dinh dưỡng, gây chương bụng, đầy hơi, gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra còn gây suy giảm khả năng tình dục, sức khoẻ sinh sản, giảm mật độ xương làm xương yếu, dễ gẫy, gây suy giảm miễn dịch.

Trường hợp sử dụng phải rượu methanol (cồn công nghiệp) người dùng có thể bị tổn thương não, dây thần kinh thị giác, gan, thận, làm người bệnh bị mù mắt, ngộ độc, có thể dẫn tới tử vong. Người bị ngộ độc rượu methenol cảm thấy buồn ngủ, lú lẫn, nhức đầu, mất điều hoà vận động, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, kèm theo rối loạn thị giác và mù mắt. Nếu nhiễm độc nặng có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, tụt huyết áp, ngừng tim, tử vong.

Trong một số trường hợp ngộ độc rượu do cồn công nghiệp hoặc do sử dụng quá nhiều rượu bia thì người tiêu dùng phải làm gì để để sơ cứu kịp thời trước khi đến bệnh viện, thưa Bác sĩ ?

Khi có biểu hiện nhiễm độc Methanol, cần nhanh chóng đưa người ngộ độc rượu cùng với đồ uống chứa cồn mà họ sử dụng tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. Có thể gọi điện tới Trung tâm chống độc, đường dây nóng tư vấn về ngộ độc Methanol để được các chuyên gia hướng dẫn, phải tuân theo các các thức sơ cấp cứu nói chung cho người bệnh ngộ độc.

Một số biện pháp sơ cấp cưu có thể áp dụng như sau:

Giữ bệnh nhân tỉnh táo nhất có thể cho đến khi có bác sĩ tới cấp cứu;

Không để người ngộ độc rượu một mình, để tránh tình trạng nôn mửa có thể gây nghẹt đường thở. Nên để bệnh nhân nằm đầu cao hoặc ngồi, có thể để nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa;

Hô hấp nhân tạo nếu có dấu hiệu ngưng thở;

Giữ người bệnh nằm yên, hạn chế cử động, tránh để va đập vào các vật cứng;

Giữ ấm cơ thể để tránh hạ thân nhiệt đột ngột, gây tử vong;

Mang theo hoặc ghi nhớ loại rượu mà người bị ngộ độc uống, giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, xử trí kịp thời;

Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân trong việc sử dụng đồ uống có cồn cũng như sử dụng các thực phẩm dịp lễ, tết để đảm bảo đủ dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe?

Nên tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường, các loại rượu trôi nổi chưa được kiểm định chất lượng, chưa được cơ quan y tế, cơ quan chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm duyệt.

Theo Báo Công Thương

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *