Bứt phá xuất khẩu trong năm mới 2023

Bứt phá xuất khẩu trong năm mới 2023

(HQ Online) – Năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, lạm phát… Đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chủ động, linh hoạt về sản xuất, cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu thay vì phụ thuộc một vài thị trường lớn.

Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong năm mới. 	Ảnh: T.D
Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong năm mới. Ảnh: T.D

Nhiều thời cơ, vận hội mới

Năm 2022 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã vươn lên và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD. Bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”. Có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 ngành hàng vượt 10 tỷ USD.

Điển hình, năm 2022 được xem là năm thành công của xuất khẩu gạo. Lượng xuất khẩu cả năm ước đạt trên 7 triệu tấn. Chia sẻ về những thành tựu đạt được trong năm 2022, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, giá gạo thơm xuất khẩu tới thị trường Trung Đông, châu Âu của doanh nghiệp trong năm nay đạt mức bình quân 650 USD/tấn, riêng loại gạo ST24, ST25 có giá trên 1.000 USD/tấn – đây là giá xuất khẩu cao đối với mặt hàng lúa gạo trong nhiều năm nay.

Ông Phạm Thái Bình cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục là năm khả quan với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì gạo là lương thực thiết yếu mà quốc gia nào cũng cần, trong khi nguồn cung gạo của nhiều quốc gia bị thu hẹp lại do biến đổi khí hậu. Minh chứng là doanh nghiệp đã ký kết và sẽ giao khoảng 30.000 tấn gạo trong quý 1/2023 cho các thị trường như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; xuất khẩu lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang… sang Trung Quốc và mật ong sang EU. Khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Năm 2022, ngành gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Ấn tượng không kém là lĩnh vực xuất khẩu cà phê khi hết tháng 11, mặt hàng này đã đạt gần 1,7 triệu tấn tương đương giá trị 3,5 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2021. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của ngành này… Điều này mở ra cơ hội, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 tới cho các doanh nghiệp.

Tái cấu trúc, tìm thị trường mới

Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm nông – lâm – thủy sản của Việt Nam dù đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế song xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn phải tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM Trần Phú Lữ cho rằng, để tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay, ngoài các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho phân khúc khách hàng riêng biệt; đồng thời đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến hữu cơ, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người; đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế…

Doanh nghiệp cũng phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm Việt có thương hiệu uy tín. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại, định hướng sản xuất “xanh-tuần hoàn”, thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi số mô hình quản trị sản xuất-kinh doanh, chuyển đổi phương thức kinh doanh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, nhất là cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 – 48 tỷ USD. Theo ông Giang, ngành Dệt may hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này. Thứ nhất là do các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là doanh nghiệp tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa được các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô (cũ), thị trường châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam.

Theo ông Diệp Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food), các quốc gia Đông Nam Á là những thị trường xuất khẩu rất tiềm năng bởi vị trí địa lý rất gần, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh. Doanh nghiệp đã tiếp cận được với kênh bán hàng của Philippines và có những đơn hàng mới xuất khẩu sang thị trường Indonesia. Sắp tới, Cholimex Food sẽ có những đơn hàng xuất đi Brunei, New Zealand…

Theo tạp chí Tổng cục hải quan Việt Nam

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *