Đẩy mạnh giao thương nông sản, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới
Giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng
Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới diễn ra sáng nay 14/2/2023 tại Lạng Sơn, theo hình thức trực tuyến, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); cao su chiếm tỷ trọng 71,91%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản.
“Hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) chia sẻ cụ thể thêm.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời, liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng: “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”.
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng, ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – chia sẻ, từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Mặt khác, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
Ngoài ra, những khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối móc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Tại Hội nghị, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong gần 3 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, địa phương cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, chuyển sang hợp tác song phương
Dù vậy, ông Thiệu cho rằng, tình hình xuất khẩu nông sản hiện vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Do đó, cùng với kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, ông Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Về phía Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hai nước cần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khâu kiểm dịch hàng nông sản tại ga đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường và ga đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu. Đồng thời, tăng cường hợp tác, đầu tư kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản tại khu vực hai bên biên giới của mỗi nước.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường tỷ dân này, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
“Việt Nam có lợi thế địa lý ở gần Trung Quốc và cần đẩy mạnh khai thác tối đa điều này”. Từ ngày 19/1/2023, ga Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế. Đây là điều được cho là sẽ giảm tải cho ga Gia Lâm, cũng như giúp nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc”, ông Tô Ngọc Sơn cho biết thêm.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam. Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, đồng thời chuyển sang hợp tác song phương. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ triển khai các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng các tỉnh, thành phố trên cả nước gắn kết hơn nữa để đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc.
Theo baodansinh.vn